Mình may mắn được học tập và nghiên cứu trong một môi trường học tập tích cực với cơ sở vật chất hiện đại tại khoa Công nghệ Sinh học, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nơi mà mình được tiếp xúc với rất nhiều loại thiết bị, hệ thống máy móc tiên tiến, luôn được học lý thuyết song song với thực hành. Trong đó mình đặc biệt thích những buổi học thực tế ngoài nhà màng, giúp mình hiểu rõ hơn những thứ được nghe Thầy Cô giảng ứng dụng vào thực tế như thế nào.
Dưa lưới được trồng trong nhà màng
Buổi đầu tiên, lớp mình được giới thiệu sơ lược về hệ thống các loại nhà màng, nhà lưới, sự kết hợp với công nghệ tưới nhỏ giọt và kỹ thuật chọn giống hiện đại đã tạo nhiều cây trồng với năng suất cao, chất lượng tốt. Hóa ra lợi ích cơ bản nhất của việc sử dụng hệ thống nhà màng, nhà kính là để tránh các loại côn trùng gây hại cũng như thời tiết bất thường ảnh hưởng đến cây trồng.
Chúng mình còn được giới thiệu về tất cả các loại máy móc, thiết bị vận hành trong nhà màng, cơ chế và cách sử dụng, ưu nhược điểm của chúng. Đây là những loại máy móc hiện đại ứng dụng công nghệ 4.0 có thể điều khiển được độ pH, lượng nước tưới, điều khiển thông gió,.. cung cấp chất dinh dưỡng cũng như điều kiện thuận lợi cho cây phát triển.
Mình còn được học về cách gieo trồng dưa lưới và ngạc nhiên biết rằng các cây trồng ở đây đều được chăm sóc hằng ngày bằng hệ thống tưới tự động. Cả lớp được học cách chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây như thế nào là hợp lý, tự tay quấn dây dưa lưới lên những sợi dây nhỏ để chúng có thể phát triển tốt hơn. Điều lý thú nhất là lúc thực hành thụ phấn cho dưa lưới, vì trồng trong nhà màng không có côn trùng thụ phấn tự nhiên nên con người phải thụ phấn nhân tạo cho nó. Sau khi được hướng dẫn cách nên chọn những hoa như thế nào, cách làm ra sao để thụ phấn cho ra quả dưa lưới tốt nhất, tụi mình đã tự tay đi thụ phấn cho từng cây từng cây, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng với số lượng cây nhiều cũng khá vất vả đấy các bạn. Cuối cùng là theo dõi sự phát triển của quả dưa, đo độ ngọt và xác định thời điểm thu hoạch.
Lớp mình thực hành quấn dây dưa lưới
Ngoài vườn dưa lưới, chúng mình còn thực hành ở nhà màng trồng rau thủy canh. Đây là mô hình ứng dụng khá phổ biến vào sản xuất cung cấp rau chất lượng cho nhà hàng, siêu thị và các cửa hàng rau sạch.
Nhà màng trồng rau thủy canh được trang bị các kệ trồng và máy đo EC, pH để kiểm tra các thông số cần thiết cho việc trồng rau thủy canh. Mặc dù thời tiết rất oi bức, nắng nóng nhưng lớp mình vì ham học hỏi và thích trải nghiệm những công việc ngoài vườn nên các bạn rất thích thú. Đặc biệt là khi các bạn tự tay ươm mầm những hạt rau nhỏ bé và theo dõi sự lớn lên của chúng đến lúc thu hoạch. Vừa nghe xong bài giảng của Thầy xong là tụi mình đặt ra rất nhiều câu hỏi nhờ Thầy giải đáp, nhờ thế mà mình hiểu sâu hơn môn học và hiểu biết rộng hơn về ngành học của mình. Mình còn được tham quan các khu vực nhà màng trồng các loại cây khác nhau như hoa lan, hoa chuông, trồng rau bằng hệ thống khí canh…
Trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh động trong nhà màng
Trải qua những buổi học ngoài vườn, mặc dù nắng rất gắt, thời tiết rất khó chịu nhưng mình cảm thấy rất vui vì đã học được nhiều điều bổ ích, giúp củng cố những lý thuyết đã nghe trên giảng đường, và bổ sung thêm những kiến thức mới thông qua việc trải nghiệm thực tế. Cũng từ đó mình hiểu rõ hơn về nỗi vất vả của những người nông dân, kỹ thuật viên nông nghiệp đã tốn công sức thế nào để tạo ra rất nhiều sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta sử dụng hàng ngày. Mình cũng thấy được ứng dụng của công nghệ cao trong sản xuất, vận hành hệ thống nông nghiệp; phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Qua đây, mình muốn cảm ơn Khoa Công nghệ sinh học cũng như các Thầy Cô trong Khoa đã luôn cố gắng tạo điều kiện để đem đến cho sinh viên những buổi thực hành đầy bổ ích và thú vị như thế. Nó giúp chúng em có nhiều cơ hội tiếp cận thực tế, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, thu nhận kinh nghiệm thực tế để tự tin hơn khi bước ra khỏi ghế Nhà trường.
Nguyễn Thị Thu Thảo – Lớp 17DSH1A